Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

8 bí mật không hãng bay nào muốn tiết lộ

Nếu làm khách nhỡ chuyến hoặc chậm trả hành lý, các hãng hàng không có thể phải bồi thường rất nhiều tiền, nhưng một số đơn vị chọn cách tặng phiếu khuyến mại hay quà tặng du lịch thay thế.

Sau khi tốn cả núi tiền để mua vé máy bay và lên lịch trình cho chuyến đi, một số du khách tới sân bay và bất ngờ nhận được tin không thể check-in do đã hết chỗ. Phản ứng thường thấy nhất là bực bội nhưng ít ai biết về những quyền lợi khi rơi vào tình huống này. Dưới đây là những bí mật được trang Thrillist tổng hợp, chia sẻ sự thật mà không hãng hàng không nào muốn tiết lộ với công chúng.

hang-bay-7138-1423561069.jpg
Hãng hàng không có thể phải bồi thường số tiền lớn cho hành khách nếu làm họ bị nhỡ chuyến. Ảnh: Usatoday.
1. Bồi thường bằng phiếu khuyến mại
Thông thường, các hãng bay bán vé dư so với số ghế quy định trên phi cơ, dự phòng trường hợp khách bỏ chuyến. Vì vậy, dù đã đặt vé trước nhưng tới hôm check-in, bạn vẫn có thể bị từ chối với lý do máy bay đã kín chỗ.
Nếu đang ở Mỹ, du khách có thể được bồi thường số tiền lên tới 1.300 USD, áp dụng trong trường hợp hãng bay không thể bố trí chuyến khác cho bạn trong vòng 2 giờ đồng hồ sau đó. Nhiều hãng hàng không muốn “né” việc thanh toán bằng tiền mặt nên thường đưa ra phiếu quà tặng, khuyến mãi du lịch thay thế.
2. Hãng bay có thể chi rất nhiều tiền bồi thường
Trong trường hợp hãng hàng không làm bạn nhỡ chuyến và phải sắp xếp cho lên máy bay khác, họ vẫn sẽ phải bồi thường số tiền gấp 2 lần giá trị tấm vé một chiều, có thể lên tới 650 USD. Cho dù bạn có tới trễ cả vài tiếng đồng hồ so với thời gian gốc, chuyện bồi thường vẫn không thay đổi.
3. Thứ 3, 4, 7 luôn là ngày giá vé rẻ nhất
Các máy bay thường chở ít khách hơn vào một số ngày nhất định trong tuần, gồm các thứ 3, 4 và 7. Vì lẽ này, chuyến bay nào hầu như cũng còn dư chỗ. Bạn đừng ngạc nhiên nếu mua vé vào những ngày này là được giá rẻ.
4. Du khách có thể hủy chuyến ngay cả khi đã đặt vé
Với nhiều hãng hàng không, du khách có thể thay đổi hoặc hủy chuyến trong vòng 7 ngày trước khi khởi hành và thậm chí còn được hoàn 100% tiền. Một vài trường hợp ngoại lệ, đáng chú ý có thể kể đến American Airlines với thời gian giữ chỗ là 24h hay Southwest Airlines còn có chính sách hoàn tiền nếu du khách thay đổi quyết định vào phút chót, ngay trước thời điểm máy bay sắp cất cánh.
5. Thời gian chậm trả hành lý có thể tính bằng rất nhiều tiền
hanh-ly-1-4573-1423561069.jpg
Làm du khách lỡ kế hoạch do hành lý bị kẹt tại sân bay, các hãng hàng không cũng phải chi nhiều tiền để bồi thường.
Trường hợp hạ cánh xuống mặt đất, hành lý của bạn chưa xuất hiện và còn bị kẹt đâu đó (không phải bị thất lạc), các hãng bay có thể phải trả tiền bồi thường 25-50 USD mỗi ngày. Theo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, con số như vậy là chưa đủ để đền bù vì làm nhỡ hành trình trượt tuyết hay một đám cưới hoặc chuyến công tác quan trọng của doanh nhân nào đó.
Tính toán của cơ quan này cho thấy các hãng hàng không có thể phải chi tới 3.300 USD nếu chậm trả hành lý cho các hành khách trên chuyến bay nội địa.
6. Du khách có thể rời máy bay ngay trên đường băng
Nếu phi cơ phải đứng chôn chân trên đường băng vì một số lý do nhất định như hỏng hóc động cơ quá 3-4 tiếng, các du khách được phép tự do đi lại và rời máy bay, xuống đường băng dạo chơi. Các hãng bay cũng bắt buộc phải cung cấp đủ thức ăn và nước uống cho bạn trong suốt thời gian này.
7. Du khách có thể được hưởng dịch vụ cao cấp miễn phí
Trường hợp hãng bay hoãn chuyến và vì một lý do nào đó, họ buộc phải chuyển bạn sang máy bay khác, mọi chi phí liên quan thường do chính đơn vị hàng không chi trả. Một vài hành khách sẽ may mắn được thăng hạng ghế lên thương gia nếu chiếc máy bay thứ 2 do hãng hàng không sắp xếp đã kín chỗ ngồi phổ thông.
8. Vé không hoàn tiền vẫn có thể nhận bồi thường
Một số trường hợp hoãn, hủy chuyến do hãng hàng không gây ra, du khách hoàn toàn được quyền đòi bồi hoàn tiền vé máy bay ngay cả khi bạn đã mua loại “không bồi hoàn”. Điều này áp dụng cả cho “lỗi” trên hành trình, chẳng hạn bạn mua vé bay thẳng nhưng cuối cùng lại phải quá cảnh ở một phi trường khác.
Trần Hằng (theo Thrillist)

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

6 thói quen hàng ngày của những lãnh đạo thành công nhất thế giới

Những CEO thành công dường như có một khả năng kỳ lạ để làm mọi việc mặc dù họ cũng chỉ được phân bổ 24h/1 ngày như những người khác. Có một số điểm tương đồng nổi bật trong những thói quen của giám đốc điều hành thành công nhất như sau:

1, Thức dậy sớm
Đây là điểm chung của rất nhiều CEO giỏi. CEO Brett Yormark của hệ thống New Jersey dậy lúc 3:30 a.m. David Cush - CEO của Virgin America  bắt đầu một ngày lúc 4h15 am. Robert Iger, CEO của Disney tỉnh giấc lúc 4:30 mỗi sáng và Dan Akerson, cựu CEO của General Motors nói hiếm khi anh ta dậy sau 4:30 hoặc 5h sáng. Nếu bạn muốn trở thành những người thành công, đừng bỏ lỡ cơ hội của mình trên giường. Hãy dậy sớm và khởi động một ngày mới bằng những bài tập thể dục hoặc lên danh sách việc phải làm giống CEO hàng đầu này.
2, Thường xuyên tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục là điểm chung giữa những CEO dậy sớm. Trên thực tế, đây là một trong những điều đầu tiên mà rất nhiều các chuyên gia làm trong ngày. Andrea Jung, cựu CEO của Avon Products, luôn luôn thức dậy lúc 5 giờ sáng để sử dụng phòng tập thể dục trước khi làm việc. Giám đốc điều hành Unilever Paul Polman dậy sớm lúc 6 giờ sáng để có thời gian chạy bộ. Ông nói mình sử dụng thời gian tập luyện để suy nghĩ về những việc sẽ làm trong ngày
Haim Saban, Giám đốc điều hành của Saban Capital, làm việc trong một giờ, sau đó dành 75 phút tập thể dục trước khi ông cảm thấy mình đã thực sự muốn bắt đầu một ngày mới. Yormark, người có vinh dự là Giám đốc điều hành trẻ nhất tại NBA cũng đúc kết tập thể dục mỗi buổi sáng là  rất tốt. Nếu không có thời gian, bạn có thể tính cách đi bộ đến văn phòng làm việc như một cách rèn luyện thân thể khi ngày mới bắt đầu
3, Tập thiền mỗi ngày
Thiền là một chiến lược cực kỳ phổ biến để rèn luyện sự tập trung và giữ cho tâm trí được bình an. Oprah Winfrey là ví dụ tiêu biểu cho CEO dành thời gian cho việc thiền định ít nhất 20 phút mỗi ngày.
Trong một bài báo trên trang web của mình, Winfrey trích dẫn nhiều lợi ích từ việc thực hành thiền: "các kết quả thu được thật tuyệt vời, giấc ngủ tốt hơn, cải thiện mối quan hệ với vợ chồng, con, đồng nghiệp. Một số người đã từng bị chứng đau nửa đầu không nữa.  Năng xuất làm việc lớn hơn và sáng tạo hơn"
Rupert Murdoch - tỷ phú hàng đầu thế giới viết trên Twitter: "Hãy cố gắng học thiền, thật không dễ dàng để bắt đầu, nhưng cũng nên cố gắng để cải thiện tất cả mọi thứ."
4, Giảm bớt các cuộc họp
Họp hành là việc rất tốn thời gian và nguồn lực nên nhiều CEO cho rằng đây là điều không cần thiết.  Thay vì phải chi tiền thường xuyên cho các buổi họp (đồ ăn, nước uống, in ấn…), bạn có thể xem xét các biện pháp thay thế để giảm hoặc bỏ luôn các buổi họp. Mark Cuban, chủ nhân Dallas Mavericks, nhận xét: “Nếu không phải bạn đang cần chốt hợp đồng, thì họp hành là việc làm lãng phí thời gian. Có rất nhiều cách để trao đổi với nhau, hoặc nếu cần thiết phải có một cuộc họp, thì nó nên có thời gian cụ thể và đạt được kết quả trước khi kết thúc”. Nếu bạn băn khoăn làm sao có thể làm theo tất cả các thói quen trong danh sách này, thì việc bỏ đi các cuộc họp trong ngày có thể là một giải pháp. Hãy cố gắng trao đổi qua email hoặc các phương tiện khác, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
5, Tổ chức các chi tiết
Có hàng trăm đầu việc cần giải quyết mỗi ngày vì thế chìa khóa của mỗi CEO là tổ chức, sắp xếp hệ thống làm sao mọi thứ có thể chạy trơn chu. Danny Meyer, Giám đốc điều hành của Union Square Hospitality Group, có một hệ thống ghi nhớ giúp ông theo kịp với tất cả trách nhiệm của mình mà không sa vào nhiều gián đoạn trong suốt cả ngày. Mỗi ngày, trợ lý của ông sẽ gửi bản lịch trình cho ngày tiếp theo, các vấn đề còn tồn đọng, thông tin cần thiến và các ghi chú cho dài hạn. Chia sẻ về hệ thống này, Danny nói: “Chúng tôi mới chỉ bắt đầu cách ghi chú này vào năm ngoái, và tôi không biết phải quản lý mọi việc ra sao nếu không có nó. Tôi luôn quan tâm tới từng chi tiết nhỏ. Với cách làm này, tôi không phải lo sẽ bỏ quên điều gì”. Bạn có thể làm theo phương pháp này bằng cách dành một khoảng thời gian trong ngày để ghi chú những chi tiết dù nhỏ nhất. Việc cố gắng xử lý tất cả mọi chuyện cùng lúc sẽ khiến tiến độ làm việc của bạn bị ảnh hưởng.
6, Nuôi dưỡng sự sáng tạo
Trên tất cả những thói quen khác trong danh sách này, nuôi dưỡng sự sáng tạo của riêng bạn có lẽ là quan trọng nhất. Đây là yếu tố quyết định sự thành công và bền vững của một tổ chức.
Và có lẽ không ai thể hiện tinh thần sáng tạo nổi bật hơn so với cựu Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs. Cách lãnh đạo đặc trưng của ông chính là ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, thích sáng tạo tỏa sáng từ chính con người ông. Ông là ngọn lửa truyền cảm hứng cho những nhân viên APPle khác với đòi hỏi phải đổi mới từng giờ, từng ngày. Sáng tạo trở thành triết lý và tiêu chuẩn làm việc số 1 của Apple, cũng là nhân tố cạnh tranh quan trọng nhất của Apple.
(Theo Vietnamnet)