Tỷ phú Warren Buffett đã bước sang tuổi 84 hôm 15/11/2014. Nhưng ngay ở độ tuổi ấy, ông vẫn tiếp tục tham gia vào những cuộc đầu tư lớn nhất thế giới.
Với giới kinh doanh toàn cầu, có một thứ gọi là “đạo của Warren Buffett” với những triết lý kinh doanh mà nhà đầu tư lừng danh thế giới không hề giấu diếm, thường xuyên chia sẻ thông qua các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, báo chí và thư từ trao đổi.
Dưới đây là 16 phát biểu nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett về đầu tư. Chúng đã, đang và sẽ luôn là kho tri thức kinh doanh với bất cứ doanh nhân nào.
1. Việc mua một doanh nghiệp tuyệt vời với giá cả phải chăng sẽ tốt hơn nhiều so với việc mua một doanh nghiệp “phải chăng” với giá cả tuyệt vời.
2. Bạn không cần phải là thiên tài thì mới đầu tư giỏi. Đầu tư không phải cuộc chơi trí tuệ theo kiểu ở đó người có chỉ số IQ 160 sẽ đánh bại người có chỉ số IQ 130.
3. Nhưng bạn phải thành thục những điều cơ bản. Các sinh viên học đầu tư cần phải được dạy tốt hai khóa học: Cách đánh giá một doanh nghiệp và cách tư duy về giá cả thị trường.
4. Đừng mua một cổ phiếu chỉ vì mọi người đều chán nó. Cách này và cách chạy theo đám đông cũng đều ngu ngốc như nhau. Điều cần thiết ở đây là tư duy chứ không phải câu chuyện số lượng người xa lánh hay ủng hộ cổ phiếu.
5. Những điều tồi tệ thường không dễ thấy khi mọi thứ đều tốt. Rốt cuộc, bạn chỉ thấy ai là người đang bơi không mặc đồ khi thủy triều đã rút.
6. Thời điểm tốt nhất để mua một công ty là khi nó gặp rắc rối. Chúng tôi muốn mua chúng khi chúng đang “trên bàn phẫu thuật”.
7. Nhìn về lâu dài, thị trường chứng khoán sẽ luôn tốt. Vào thế kỷ 20, nước Mỹ trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới và nhiều xung đột quân sự khủng khiếp, tốn kém khác; có nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, dịch cúm và cả chuyện tổng thống từ chức… Dù vậy chỉ số Down Jones vẫn tăng từ 66 lên 11.497 điểm.
8. Hãy nghĩ về lâu dài. Mục đích khi mua cổ phiếu của bạn rõ ràng là trông chờ vào những khoản lời tăng lên sau 5, 10 hoặc 20 năm. Qua thời gian, bạn sẽ thấy chỉ một vài công ty có thể mang lại khoản lợi đó. Vì thế, nếu nhận ra một doanh nghiệp có tiềm năng sinh lời lâu dài, hãy mua một lượng cổ phiếu đáng kể của nó. Còn nếu bạn chưa sẵn sàng sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp nào trong 10 năm thì đừng nghĩ tới việc mua nó, dù chỉ trong 10 phút.
9. Bạn không cần phải phản ứng ngay trước mọi cơ hội. Thị trường chứng khoán không phải một cuộc chơi đánh bóng, bạn không phải đỡ mọi pha bóng mà có thể chờ đợi tới lượt đánh của mình. Sợ nhất là khi những người bên cạnh bạn cứ liên tục hò reo cổ vũ, “đánh đi, tới lượt anh rồi đấy!”.
10. Phớt lờ các yếu tố chính trị và kinh tế vĩ mô khi lựa chọn cổ phiếu. Những điều này chỉ gây phân tán và tốn kém cho nhà đầu tư và doanh nhân. 30 năm trước, chẳng ai có thể thấy trước những cuộc chiến tranh bùng phát tại Mỹ, những chính sách kiểm soát lương và giá, hai vụ khủng hoảng giá dầu hay chỉ số Down Jones có ngày tụt xuống còn 508 điểm. Tuy nhiên tất cả những sự kiện lớn đó đã không ảnh hưởng gì nhiều tới các nguyên lý đầu tư của nhà kinh tế học người Anh Benjamin Graham.
11. Giá cả và giá trị không tương đương với nhau. Từ rất lâu rồi, Benjamin Graham đã dạy tôi rằng: “Giá cả là số tiền anh phải trả, giá trị là những gì anh nhận được”. Dù là chúng ta đang nói về đôi tất hay cổ phiếu, tôi vẫn thích mua những hàng hóa chất lượng cao khi chúng giảm giá.
12. Không có thêm “điểm cộng” trong những thương vụ đầu tư phức tạp. Việc đầu tư của chúng tôi không có quá nhiều số liệu và đơn giản về khái niệm. Những ý tưởng đầu tư lớn thường có thể chỉ cần giải thích bằng một đoạn văn bản ngắn gọn. Độ khó khăn và phức tạp của việc đầu tư không quyết định tới thành công của việc này.
13. Một doanh nhân giỏi sẽ là một nhà đầu tư giỏi. Tôi là nhà đầu tư giỏi hơn vì tôi là một doanh nhân và là một doanh nhân giỏi hơn vì tôi không phải nhà đầu tư.
14. Những doanh nghiệp không thay đổi có thể là những khoản đầu tư giá trị. Đó là kiểu doanh nghiệp tôi thích.
15. Thời gian là bạn của những doanh nghiệp làm ăn tốt, là kẻ thù của những doanh nghiệp tồi.
16. Đây là điều quan trọng nhất: Nguyên tắc thứ nhất là đừng bao giờ để mất tiền và nguyên tắc thứ 2 là đừng quên nguyên tắc thứ nhất.
Theo TRẦN ĐẮC LUÂN
Doanh nhân Sài Gòn/EconomicTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét