Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

9 điều kiêng kị của người thành công

Người thành công không bao giờ buôn chuyện, đi muộn, cáu giận, ngắt lời người khác hay nghĩ một đằng nói một nẻo.


1. Để quá khứ quyết định tương lai

set-top-6192-1419931806.jpg
Steve Jobs và Bill Gates là những doanh nhân thành công điển hình. Ảnh: LinkedIn
Ai cũng có điểm hạn chế và thách thức phải đối mặt. Bởi vậy sai lầm là điều không thể tránh khỏi, Inc nhận xét. Tuy nhiên, chìa khóa của sự thành công là biết học hỏi từ những vấp ngã, chứ không được để chúng kìm hãm sự phát triển của bạn.
Dĩ nhiên là "Nói dễ hơn làm". Tuy nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào quan diểm của bạn nữa. Khi có điều không hay xảy ra, hãy coi đó là cơ hội để bạn có thể học thêm điều mình chưa biết, đặc biệt là về chính bạn. Còn khi ai đó mắc sai lầm, hãy xem đó như là cơ hội để thể hiện lòng khoan dung, độ lượng.
Mọi thứ trong quá khứ chỉ như một khóa huấn luyện mà thôi. Những người cực kỳ thành công tin rằng quá khứ sẽ giúp họ từng trải hơn, hiểu biết hơn chứ không thể nói lên bất cứ điều gì về con người họ.
2. Buôn chuyện
Thật khó để cưỡng lại sự tò mò của bản thân, chẳng hạn như tìm ra lý do đằng sau quyết định của ai đó, động cơ hành động của những người xung quanh hay đơn giản là "liệu anh này có đang hẹn hò với cô kia thật không?".
Vấn đề là, bạn cũng không thể nằm ngoài vòng bàn tán của những kẻ buôn chuyện ấy. Và đôi khi sẽ có những tin đồn không hay cho lắm.
Vì thế, khi bạn muốn "buôn chuyện" về bất cứ ai, hãy suy nghĩ kỹ xem liệu mình có thể nói trực tiếp với người đó thay vì nói sau lưng không. Và hễ ai đó bắt đầu mở miệng để buôn chuyện của người khác, bạn đừng ngại ngần nói lời xin lỗi rồi rời khỏi đó ngay lập tức. Đừng nghĩ rằng như thế là không tôn trọng người nói, bởi vốn dĩ những người hay ngồi lê đôi mách đã chẳng hề biết tôn trọng người khác.
Với những người thành công, khi muốn chia sẻ thông tin bên lề, họ sẽ nói một cách công khai.
3. Nói "có" khi trong đầu nghĩ là "không"
Từ chối lời đề nghị từ đồng nghiệp, khách hàng hay chỉ đơn giản từ một người bạn là điều vô cùng khó khăn. Nhưng trên thực tế, thẳng thắn từ chối cũng không gây hậu quả xấu như bạn tưởng. Hầu hết mọi người sẽ hiểu cho bạn, còn nếu họ cố tình không hiểu thì liệu bạn có cần quan tâm quá nhiều về suy nghĩ của họ không?
Khi nói "không", bạn sẽ chỉ cảm thấy băn khoăn một lúc thôi. Trong khi đó, nếu ép mình đồng ý với một việc mà bản thân thực sự không muốn, thì cảm giác tồi tệ sẽ đeo bám bạn một thời gian dài, hoặc ít nhất là trong khoảng thời gian để hoàn thành cái việc mà vốn dĩ bạn không hề muốn ấy.
Những người thành công biết cách nói "không" khi cần. Thậm chí họ còn từ chối rất giỏi là đằng khác. Bởi họ biết rằng điều đó sẽ giúp bản thân tập trung làm những gì cần làm cho chính họ và cho cả người khác nữa.
4. Ngắt lời người khác
Bản chất của việc ngắt lời ai đó là "Tôi chẳng quan tâm anh đang nói gì đâu. Tôi chỉ suy nghĩ về cái mà tôi định nói thôi. Nó vô cùng quan trọng nên bạn cần nghe ngay bây giờ".Nếu bạn muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn, hãy học cách lắng nghe người khác, sau đó, đặt vài câu hỏi để chứng tỏ bạn hiểu đúng vấn đề. Những người thành công luôn muốn học hỏi từ việc lắng nghe suy nghĩ của người khác.
5. Đến muộn
Mỗi khi bạn đến muộn, những người còn lại sẽ ngay lập tức nghĩ rằng "Anh cho là thời gian của anh quan trọng hơn của chúng tôi à?". Dĩ nhiên, điều này sẽ làm bạn mất cơ hội xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, dù là trong công việc hay chuyện cá nhân.
Bạn đến muộn là do bạn tự ý cho phép bản thân như thế. Những người thành công thường bắt đầu ngày mới sớm hơn mọi người. Dù đến sớm, họ cũng không bao giờ lo mình lãng phí thời gian. Bởi họ đã lập kế hoạch trước và sẽ tranh thủ khoảng thời gian ấy để hoàn thành những việc lặt vặt. Điều đó giúp họ không những giảm được stress mà còn hiểu vấn đề hơn, sáng tạo, quyết đoán và chủ động hơn.
6. Oán giận
Cố tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela từng nói: "Oán giận giống như việc tự uống thuốc độc và hi vọng nó sẽ giết chết kẻ thù của mình". Phẫn nộ, ghen ghét, đố kỵ cũng vậy. Với ác ý và dã tâm, người duy nhất thua cuộc là chính bạn.
Bí quyết để thành công là thay vì bận tâm bởi những gì người khác đã làm được, hãy dồn mọi năng lượng vào những thứ bản thân sẽ làm.
7. Nghĩ rằng mình thiếu thời gian
Cùng với quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày, nhưng có người hoàn thành được nhiều việc hơn người khác. Vậy bí quyết là gì? Chẳng lẽ họ lao đầu vào công việc, không có phút giây nào để tận hưởng cuộc sống?
Trên thực tế, cuộc sống của họ tuyệt vời là đằng khác. Họ biết điều gì là quan trọng và cố gắng biến chúng thành hiện thực, đồng thời gạt hết những chuyện vặt vãnh sang một bên.
Tạo hóa cho mọi người cùng một quỹ thời gian, nhưng sự khác biệt nằm cách mà ta sử dụng nó. Người thành công là người biết sử dụng thời gian vào những việc quan trọng.
8. Làm theo mọi người
Trong cuộc sống, chẳng ai thực sự thích bạn vì quần áo bạn mặc, chiếc xe bạn đi hay ngôi nhà bạn ở, thậm chí là chức danh nơi làm việc. Tất cả những thứ đó chỉ là vật ngoài thân và kể cả khi người ta thích chúng, thì điều đó cũng không có nghĩa là họ thích bạn.
Những người thành công quan niệm rằng, "phải luôn là chính mình" dù họ biết việc không giống ai có thể khiến họ mất đi rất nhiều người quen biết. Họ đủ hiểu sống đơn giản là chính mình sẽ giúp họ có được những người bạn thực sự.
9. Ngại làm những việc khó khăn
Câu nói "Thứ đáng sợ duy nhất chính là nỗi sợ hãi" khá đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, có lẽ câu châm ngôn hay hơn phải là "Thứ duy nhất đáng sợ chính là bản thân chúng ta". Chúng ta luôn lo sợ về những điều sẽ hoặc sẽ không xảy ra, sợ những thứ mình không thể thay đổi, sợ cái mình không có khả năng làm và sợ cả cách mà người khác nghĩ về mình.
Nỗi sợ hãi ấy khiến ta luôn do dự, thiếu quyết đoán, luôn chờ đợi đến "thời khắc thích hợp". Và cứ thế thời gian trôi qua. Ước mơ của chúng ta cũng vậy.
Đừng bao giờ để sự sợ hãi làm bạn chùn bước. Bất cứ kế hoạch nào bạn vạch ra, bất cứ điều gì bạn tưởng tượng tới, hay bất cứ giấc mơ nào bạn nghĩ đến, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay.
Bí quyết để thành công là dẹp nỗi sợ hãi qua một bên và bắt đầu làm những thứ mình muốn, để sau này không phải nhìn lại và nói từ "Giá như".
Thanh Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét