Có thị trường lớn, hiểu và tạo ra sản phẩm đúng nhu cầu, quan trọng hơn,
thương hiệu Kinh Đô đã mang tính chất biểu tượng tại Việt Nam, khiến
Mondelēz quyết đổ tiền đầu tư.
Tập đoàn Kinh Đô vừa công bố khoản đầu tư của Mondelēz International vào mảng kinh doanh bánh kẹo của mình, với giá trị đến 7.846 tỷ đồng, tương đương 370 triệu USD, ứng với 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo (toàn bộ dự án được định giá khoảng 9.800 tỷ). Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành bánh kẹo Việt Nam.
Dù kết quả vẫn còn phải chờ Hội đồng quản trị Kinh Đô đề xuất lên các cổ đông tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 1/12/2014 tới, nhưng ông Tim Cofer, Phó chủ tịch cấp cao của Mondelēz cho biết, ông kỳ vọng thương vụ bán 80% cổ phần này sẽ được hoàn tất vào quý II/2015. Và theo vị này, 20% cổ phần còn lại của mảng bánh kẹo Kinh Đô sẽ được thương thảo để sở hữu tiếp sớm nhất 12 tháng sau khi thương vụ đầu hoàn tất.
Hệ thống phân phối rộng khắp, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng là yếu tố hàng đầu khiến nhà đầu tư ngoại quyết đổ vốn vào Kinh Đô. |
Vì sao ông lớn Mondelēz International với bề dày 150 năm hoạt động trong trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhẹ quyết tâm “thâu tóm” bằng được Kinh Đô. Theo ông Tim Cofer, Mondelēz nhiều năm nay đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Một số sản phẩm của thương hiệu này như bánh quy giòn Ritz, bánh quy Oreo... được khá nhiều người tiêu dùng biết đến, nhưng so với thị trường 90 triệu dân, trong đó 60% là dân số trẻ, là khách hàng của thức ăn nhẹ, thì thị phần đã có là không đáng kể. Việc đầu tư vào Kinh Đô chính là bước tiến để Mondelēz tiếp cận thị trường một cách nhanh, rộng và toàn diện.
Ông Tim Cofer cũng cho rằng, Kinh Đô là doanh nghiệp thành công tại thị trường Việt Nam khi đã xây dựng các sản phẩm được yêu thích nhất trong nhiều thập kỷ. Sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, môi trường kinh doanh và những lộ trình thị trường phức hợp tại Việt Nam đã tạo ra một nên tảng vững chắc để kinh doanh.
“ Điều quan trọng nhất để chúng tôi chọn Kinh Đô bởi thương hiệu này đã trở thành biểu tượng tại Việt Nam. Kinh Đô cũng có nhà máy sản xuất hiện đại cả trong Nam, ngoài Bắc. Lại có hệ thống phân phối rộng, phủ khắp từ nông thôn đến thành thị, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đều biết đến Kinh Đô. Kinh Đô đã hiểu người tiêu dùng và tạo ra sản phẩm rất hợp với nhu cầu thị trường. Đây chính là những yếu tố chúng tôi đánh giá cao, và không thể không tiếp cận”, ông Tim Cofer nói.
Cũng theo vị CEO này, đội ngũ nhân sự tài năng, chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm trong ngành của Kinh Đô cũng là yếu tố thuận lợi để Mondelēz International tận dụng và phát huy. Và thông qua hệ thống phân phối rộng khắp sẵn có của Kinh Đô, Mondelēz International cũng sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm toàn cầu của mình.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất Việt Nam cũng là một trong những yếu tố chinh phục Mondelēz International. |
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân bán đi mảng bánh kẹo truyền thống cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô cho biết, mặc dù đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo, nhưng Kinh Đô nhận thấy ngành hàng này hiện không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu mới thành lập công ty. Hiện Kinh Đô đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược “thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu”.
Thực tế, trước khi tiến tới thương vụ bán 80% cổ phẩn mảng bánh kẹo, nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất Việt Nam lần lượt thông qua kế hoạch đầu tư vào hãng mì gói Sài Gòn Vewong, vốn nổi tiếng với thương hiệu A-One; tham gia đối tác chiến lược trong đợt cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex ), và gần đây nhất là hợp tác với thị trưởng người Việt ở Mỹ Phạm Đình Nguyên để phát triển thương hiệu cà phê Phindeli. “Nguồn vốn này sẽ giúp Kinh Đô thực hiện chiến lược phát triển các mảng kinh doanh khác tốt hơn và nhanh hơn”, ông Thành khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét